Cơ chế gây mụn nội tiết và một số biện pháp điều trị
Mụn nội tiết hay mụn trứng cá – mụn hình thành do sự thay đổi hormone người, xuất hiện ở mọi nhóm tuổi nhưng phổ biến trong giai đoạn dậy thì ở phụ nữ. Dựa vào tình trạng gây bệnh, mụn nội tiết được chia thành mụn viêm và mụn không viêm, xuất hiện do sự tương tác của các yếu tố: vi sinh vật, sản phẩm trao đổi chất, bài tiết mồ hôi và bã nhờn, bít tắc nang lông… Nguyên nhân hình thành trạng thái viêm chủ yếu do vi sinh vật Cutibacterium acnes chuyển hóa bã nhờn thành acid béo tự kích thích biểu mô nang lông, đáp ứng viêm với bạch cầu trung tính và lympho, phá vỡ biểu mô. Nang viêm tác động vào lớp hạ bì gây ra phản ứng viêm tại chỗ tạo các nốt sẩn hoặc mủ khi bị viêm nặng, gây viêm da tổng thể.
Khác với mụn viêm, mụn không viêm được hình thành khi lượng bã nhờn gây tắc nghẽn nang lông tạo nhân mụn và lớp sừng. Từ đó hình thành các loại mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn nhỏ hay nang.
Vi sinh vật gây mụn nội tiết
Trong giai đoạn dậy thì, sự tăng trưởng hormone kích thích bã nhờn và tế bào sừng làm xuất hiện mụn ở trán, mũi, cằm, má và vùng da quanh xương hàm. Tác nhân gây nên trạng thái mất cân bằng hormone có thể kể đến như hội chứng buồng trứng đa nang, nồng độ androgen tăng cao, giai đoạn hành kinh, tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ, lạm dụng corticosteroid,lithium, phenytoin, isoniazid…
Vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh ở phụ nữ từ 40 đến 50 làm suy giảm tự nhiên các loại hormone sinh sản như estrogen hoặc tăng hormone androgen – testosterone và chấm dứt hoàn toàn chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, mụn còn xuất hiện khi dùng liệu pháp thay thế hormone để giảm triệu chứng mãn kinh, bằng cách sử dụng hormone protein thay thế estrogen, progesterone, trong đó hormone progestin khiến lỗ chân lông giãn rộng, tạo điều kiện cho bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập.
Tình trạng mụn nội tiết không thể điều trị bằng sữa rửa mặt hay kem bôi da thông thường do vị trí xuất hiện của các nang mụn nằm sâu dưới da. Do đó, phải áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau nhằm cân bằng nồng độ các hormone để làm sạch da từ bên trong như:
– Thuốc tránh thai đường uống có chứa ethinyl estradiol cùng với drospirenone, norgestimate và norethindrone giúp cân bằng nồng độ hormone, giảm tình trạng mụn nội tiết đặc biệt vào giai đoạn rụng trứng của chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc tránh thai đường uống chống chỉ định cho những người có tiền sử huyết khối, tăng huyết áp, hoặc ung thư vú, bệnh nhân tăng huyết áp.
– Thuốc chống androgen – Aldactone hoạt động dựa trên cơ chế giảm nội tiết tố nam androgen, giúp ổn định nồng độ androgen.
– Thuốc bôi ngoài da có chứa retinoic: sử dụng điều trị tình trạng mụn nội tiết thể nhẹ và cần thoa kem chống nắng đều đặn vì retinoic làm tăng nguy cơ cháy nắng.
Cơ chế hoạt động của Retinoic acid
Thêm vào đó, để giảm tình trạng mụn thể nhẹ, có thể sử dụng các phương pháp điều trị tự nhiên không chứa tác dụng phụ nguy hiểm như:
– Uống trà xanh kết hợp với chăm sóc, vệ sinh da giúp da khỏe mạnh, làm giảm quá trình hình thành mụn.
– Tinh dầu trà xanh làm giảm triệu chứng viêm trên mụn nội tiết từ nhẹ đến trung bình. Khi sử dụng, tinh dầu nguyên chất được pha loãng với một số loại dầu nền như dầu dừa, dầu ô liu… thoa trực tiếp lên vùng da bị mụn.
– Alpha hydroxy acid (AHA) – acid nguồn gốc thực vật rất giàu trong các loại trái cây họ cam/quýt, có công dụng loại bỏ tế bào chết gây bít tắc lỗ chân lông, Cũng như retinoids, AHA làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, do đó cần bôi kem chống nắng thường xuyên khi đang điều trị mụn bằng AHA.
Thông thường phải mất từ 8 đến 10 tuần để các phương pháp điều trị mụn nội tiết phát huy tác dụng. Nếu quá thời gian trên tình trạng mụn không giảm, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được tư vấn và lên kế hoạch điều trị lâu dài hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để tối đa hóa hiệu quả điều trị.
Trần Thủy Tiên – Khoa KTXNYH (tổng hợp)